Hội thảo khoa học Giải pháp phát triển liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ một số sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2030
Ngày 18/3/2025 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông (KH&CN) đã phối hợp với Viện Quản lý Đất đai và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp phát triển liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ một số sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030” tại hội trường Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông, nhằm tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học để đánh giá tình hình phát triển, chủ trương, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới.
Chủ trì Hội thảo có Lãnh đạo sở KH&CN và Viện quản lý đất đai và phát triển nông thôn; về tham dự Hội thảo có đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Nông, Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện, TP. Gia Nghĩa, Công ty TNHH TM XNK Macca Sachi Thịnh Phát, Hợp tác xã TM, DV, Chế biến sản xuất Nông nghiệp Đoàn kết…
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã phân tích kỹ lưỡng về thực trạng, nguyên nhân của những hạn chế liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối tiêu thụ một số nông sản chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Định hướng và giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. Định hướng và giải pháp khả thi để thúc đẩy liên kết trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở những ý kiến từ hội thảo để phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh và xây dựng được những chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững.
- Ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện thường xuyên công tác đánh giá, dự báo thị trường để các chủ thể, địa phương kịp thời nắm bắt thông tin thị trường và cung cầu hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản xuất, kế hoạch kinh doanh và chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo tiền đề thiết lập hợp đồng dài hạn giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Để “dẫn đường” cho liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất hiện đại;
- Chủ động xây dựng, tổ chức hình thức liên kết phù hợp với mỗi ngành hàng cũng như thế mạnh của từng địa phương.
- Đồng thời, sắp xếp lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.
- Ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, các chính sách để trợ lực cho các HTX nông nghiệp.
- Chú trọng nâng cao năng lực quản lý, trình độ sản xuất cho cán bộ, thành viên để HTX đủ tiềm lực kinh tế, am hiểu thị trường, có kiến thức pháp luật tốt đủ điều kiện làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
- Đối với những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã được hình thành, các chủ thể cần tiếp tục duy trì, phát triển, bồi trợ để chuỗi liên kết thêm bền vững, hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.