Đắk Nông là một trong các tỉnh Tây Nguyên, có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào,... phù hợp để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển ngành hoa, cây cảnh nói riêng
Đắk Nông là một trong các tỉnh Tây Nguyên, có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào,... phù hợp để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển ngành hoa, cây cảnh nói riêng. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp đến nay, diện tích hoa và cây cảnh trên địa bàn tỉnh khoảng trên 70ha, tập trung chủ yếu ở thành phố Gia Nghĩa và các huyện Cư Jút, Đắk R'Lấp và Krông Nô. Trên cơ sở Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030; ngày 16/01/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND để triển khai thực hiện phát triển ngành hoa, cây cảnh của tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, ngành trồng hoa, cây cảnh tại tỉnh Đắk Nông đạt khoảng 400 - 500ha, sản lượng trên 120 triệu cành/bông; diện tích trồng cây cảnh khoảng 100 - 200ha, sản lượng khoảng trên 350 ngàn chậu/cây; tập trung chủ yếu tại các địa phương như: thành phố Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Krông Nô,... Các chủng loại hoa, cây cảnh được trồng cần được thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới, các khu đô thị, khu công nghiệp,…
Trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông lựa chọn một số đối tượng hoa, cây cảnh theo các nhóm sau:
Nhóm hoa cắt cành bao gồm: Hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn, hoa lily, hoa loa kèn, hoa đồng tiền, hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa violet... Đây là nhóm hoa sản xuất mang tính tập trung, đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt là khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển.
Nhóm hoa trồng chậu, hoa thảm: Hoa trồng chậu, hoa thảm được trồng trong các chậu, túi bầu, khay, không dùng đất mà trồng bằng giá thể, do vậy có thể trồng ở mọi điều kiện, địa hình khác nhau dùng để chơi cảnh, trang trí trong và xung quanh nhà, ban công, sân vườn, công viên, đường phố nơi công cộng.
Nhóm cây hoa, cây ăn quả làm cảnh: Có nhiều loại cây hoa, cây ăn quả làm cảnh nhưng nổi bật nhất là hoa đào, mai, quất cảnh, cam đường canh... giúp khách hàng có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích và thú chơi của mỗi người.
Nhóm hoa lan: Hoa lan có thể trồng ở quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao như các loại hồ điệp, hoàng thảo công nghiệp. Những năm gần đây, nhiều giống hoa lan, với quy trình và mô hình sản xuất từ quy mô công nghiệp đến quy mô hộ gia đình cho hiệu quả cao. Dự báo trong thời gian tới, nghề trồng hoa lan ở Việt Nam nói chung và ở Đắk Nông nói riêng sẽ có sự phát triển tốt.
Nhóm cây cảnh phụ trợ (cây cành, lá trang trí): Thời gian gần đây xu hướng chơi hoa lẵng khá nhiều và trở nên phổ biến, trong một lẵng hoa ngoài hoa chính chiếm 60%, còn khoảng 40% là các loại hoa cành lá phụ trợ làm tôn lên vẻ đẹp của một lẵng hoa. Các loại cành, lá thường dùng đó là vạn tuế, thiên tuế, thiết mộc lan, cau lá nhỏ, ngâu, nguyệt quế, cây lá màu...Trồng các loại cây lấy cành lá rất đơn giản, dễ làm đôi khi cho hiệu quả rất cao, hơn cả trồng hoa chính. Đây cũng là cơ hội cho những người mới bước vào nghề trồng hoa khi mà chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm để trồng các loại hoa cây cảnh khó tính.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa, cây cảnh mới, tập trung các giống có chất lượng tốt, đặc trưng và phù hợp với điều kiện của tỉnh, thị hiếu người tiêu dùng để định hướng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa, cây cảnh thông qua phối hợp cùng viện, trường, hội sinh vật cảnh, câu lạc bộ, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh như: Hỗ trợ, chuyển giao các giống hoa, cây cảnh mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ của tỉnh; hỗ trợ đưa các tiến bộ về canh tác như giá thể, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa; kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mới vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng các mô hình, cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các Hợp tác xã, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản xuất...